HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC AGRI - FOS 400 PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH TRÊN CÂY TIÊU
KHÔNG KHÁNG THUỐC
PHẦN 1: PHƯƠNG PHÁP SỤC THUỐC AGRI-FOS 400 VÀO RỄ
Sục vào rễ là phương pháp quyết định trong phòng và trị bệnh chết nhanh, chết chậm, giúp cây chống lại các tác nhân gây bất lợi như nấm bệnh, tuyến trùng, ngộ độc đất...
Hinh 1a: Mũi cần sục gốc chuyên dụng - Hình 1b: Cách sục gốc cho tiêu
1. Dụng cụ: là cần sục chuyên dụng có mũi nhọn cắm xuyên sâu xuống đất, đầu có lỗ phun thuốc ra để thấm đều bộ rễ trong đất.
2. Liều lượng: pha nồng độ 1% (2lít/200 lít).
3. Cách làm: sục 6 - 8 lỗ xung quanh bìa tán lá của cây, nơi có bộ rễ cần đưa thuốc vào. Độ sâu lỗ sục từ 20 - 50 cm tùy theo cách trồng cạn hay sâu để đảm bảo bộ rễ cây tiếp xúc được với dung dịch.
Phương pháp sục vào rễ làm thuốc thấm sâu vào đất, tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ giúp hấp thu và lưu dẫn thuốc, đồng thời có tác dụng ức chế nấm bệnh trong đất.
Để phương pháp này có hiệu quả cao nhất cần phải biết vị trí của bộ phận cần đưa thuốc vào, đó là rễ tơ ở cây cần phòng bệnh; rễ và gốc bị tổn hại ở cây cần trị bệnh.
Muốn biết vị trí để sục thuốc thì phải “xoi rễ” cây. Tốt nhất là dùng tia nước ép mạnh cho đất bật lên mà không gây trầy xước gốc và rễ tiêu (hình 2).
Hinh 2a: Xoi gốc bằng vòi nước tưới - Hình 2b: Thấy được rễ bị tổn hại
CÁCH XOI GỐC - RỄ
a) Xoi gốc: Ép nước tập trung vào phần gốc nằm trong đất từ 15 - 20cm, chờ nước rút cạn để tìm vết bệnh do nấm và rệp sáp ở gốc, các cổ rễ ...
b) Xoi rễ: Xoi đất ở bìa tán lá để quan sát rễ cây bị thối nhũn do nấm; tuyến trùng kí sinh làm sưng, đen đầu rễ; cháy rễ do lạm dụng phân vô cơ, bón phân hữu cơ chưa ủ hoai...
PHẦN 2: PHÒNG BỆNH
Phòng bệnh là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất.
Bệnh chết nhanh, chết chậm, vàng lá thối rễ lây lan không những chỉ trong vườn mà còn ra cả các vùng lân cận, thậm chí cả khu vực. Nếu bệnh đã bùng phát thì nguy cơ vườn tiêu bị “xóa sổ” là rất cao. Khi đó, mọi nỗ lực “chạy chữa” sẽ tốn kém nhưng ít hiệu quả, bị thiệt hại về năng suất, mất nhiều thời gian, công sức để xây dựng lại vườn tiêu mới.
Dùng AGRI-FOS 400 để phòng bệnh chết nhanh, thối rễ, chết chậm và một số tác nhân gây hại khác (tuyến trùng, ngộ độc...) tập trung trong mùa mưa ít nhất phải được 3 lần, mỗi lần cách nhau 60 - 75 ngày (với điều kiện thoát nước tốt cho cây). Riêng những vườn có nguy cơ bị bệnh cao, nên duy trì việc phòng bệnh ngay cả trong mùa khô và phải đảm bảo đất đủ ẩm trong thời gian sử dụng thuốc. Phòng bệnh còn giúp cây khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng.
1. Đối với cây tiêu trong vườn ươm:
a) Ngâm hom: pha 5ml/ 1 lít nước (80 ml/16 lít). Ngâm hom giống trong dung dịch từ 30 - 60 phút rồi đem cắm vào giá thể ươm cây. Dung dịch sau khi ngâm đem tưới đều trên giá thể.
Ngâm hom có tác dụng phòng bệnh cho cây con đồng thời giúp cây ra rễ mạnh, mập khỏe.
b) Quét vào vết cắt: pha loãng thuốc với nước theo tỉ lệ 1 thuốc : 4 nước rồi quét lên vết cắt, nhằm ngăn chặn xâm nhập của mầm bệnh vào vết thương và giúp cây mẹ nhanh hồi phục.
c) Phun - tưới cây con: pha thuốc nồng độ 0,375% (60 ml / 16 lít nước) rồi phun hoặc tưới đều trên luống giâm định kỳ 15 ngày kể từ khi giâm hom cho đến khi đem trồng.
2. Đối với cây tiêu đã trồng:
Để có hiệu quả phòng bệnh cao nhất cần phải kết hợp sục vào rễ cây và phun ướt đều tán lá
* Sục vào rễ (hình 1): pha AGRI-FOS 400 nồng độ 1% (160 ml / bình 16 lít). Áp dụng vào đầu,giữa và cuối mùa mưa hoặc định kỳ 60 - 75 ngày, bắt đầu vào đầu mùa mưa. Lượng dung dịch đã pha sục vào rễ mỗi trụ tiêu như sau:
a) Cây tiêu năm thứ nhất có chiều cao dưới 1 mét: tùy theo tán cây mà sục 0,5 - 1 lít/trụ.
b) Cây tiêu trồng từ năm thứ 2 trở lên: sục 1 lít dung dịch / mét chiều cao dây tiêu, tối đa là 6 lít cho mỗi trụ.
* Phun thuốc: pha AGRI-FOS 400 nồng độ 0,375% (60 ml/16 lít hoặc 750 ml/200 lít). Nên phun bổ sung định kỳ mỗi tháng để duy trì kháng thể của cây.
Lưu ý:
- Đối với cây chuẩn bị ra hoa, khi phòng bệnh lần đầu nên phun qua lá ở nồng độ 0,5% (1 lít/200 lít) để có thêm tác dụng loại bỏ các lá sâu bệnh, già yếu và kích cây ra hoa đồng loạt.
- Tránh phun vào giai đoạn hoa đang nở (phơi màu, xả nhụy...)
- Để cây phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng hạt, hạn chế hiện tượng xoăn lá bạc lá, nên kết hợp một số phân bón trung vi lượng và Kẽm dễ hấp thụ.
PHẦN 3: TRỊ BỆNH
Hinh 3a: Bệnh từ gốc trong khi lá vẫn xanh
Hình 3b: Bênh rất nặng
I. Trị bệnh chết nhanh: (hình 3)
1. Nguyên nhân:
Do nấm Phytophthora tấn công khi cây thừa đạm; nuôi trái quá mức; bộ rễ bị thiếu ôxi do úng nước, bị tổn thương do rệp sáp, tuyến trùng; cháy rễ khi bón phân quá mức...
2. Giải pháp trị bệnh
Khoanh vùng khi thấy cây có biểu hiện không bình thường như héo dây, vàng lá, rụng lá, rụng chuỗi, đốm lá...
+) Trị bệnh cho từng cây: trong trường hợp đất bằng có cây bệnh nằm rải rác, hoặc đất dốc có cây bị bệnh nằm ở vùng thấp nhất. Khoanh vùng ra xung quanh từ 1 - 2 hàng kể từ cây bệnh.
+) Trị bệnh cho từng khu: trong trường hợp đất dốc có cây bệnh nằm ở sườn dốc. Khoanh vùng ra xung quanh từ 2 - 3 hàng kể từ cây bệnh, kéo dài theo đường nước mưa chảy từ cây bệnh cho đến vùng thấp nhất cuối vườn.
+) Trị bệnh cho toàn vườn: trong trường hợp đất bằng có nhiều cây bệnh nằm khắp trong vườn, hoặc đất dốc có cây bệnh ở phía trên đỉnh nơi nước mưa chảy lan ra vườn.
Xoi gốc (hình 2) “khám bệnh” cho cây: xoi phần dây tiêu nằm khoảng 15 - 20 cm trong đất xem mức độ tổn thương, nếu gốc bị thối nhũn quá 50% phần vỏ hoặc thân dây thì thời gian phục hồi chậm, nếu vết bệnh nhỏ hơn thì thời gian phục hồi nhanh hơn.
3. Cách trị bệnh chết nhanh:
Phun thuốc và sục vào rễ 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
- Sục vào rễ (hình 1): pha AGRI-FOS 400 nồng độ 1% (2 lít / phuy 200 lít).
Hình 5: Rễ mới sau xử lý thuốc
Lưu ý:
- Khi phun thuốc nồng độ 0,5% và sục vào rễ 1% cho cây đang bị bệnh sẽ có hiện tượng rụng chuỗi trái bệnh, rụng đốt bệnh, rụng lá bệnh (nhưng không rụng chồi, lá non). Đó là phản ứng của cây để loại bỏ mầm bệnh. Sau 15 ngày cây sẽ hình thành lại chồi, lá và rễ mới.
- Trong suốt thời gian trị bệnh, cây cần được cung cấp đủ nước và không bón bất kỳ loại phân nào cho cây, kể cả phân bón lá. Nếu cần phải bón phân thì dùng với liều lượng thấp sau lần xử lý thứ 3 (lần cuối cùng).
- Khi trị bệnh, không cần phối hợp với bất kỳ loại thuốc trừ bệnh nào khác.
II. Trị bệnh vàng lá, chết chậm, rụng đốt; hạn chế xoăn lá, bạc lá
1. Nguyên nhân gây bệnh
Rệp sáp ở gốc, tuyến trùng ở rễ, các loại côn trùng chích hút trên thân lá gây ra các vết thương tạo cơ hội cho nấm Fusarium, Pythium, Rhizoctonia... xâm nhập gây bệnh vàng lá, chết chậm, rụng đốt (hình 4).
Hinh 4a: Chết chậm
Hình 4b: Rụng đốt
Hình 4c: Xoăn bạc lá
Hình 4d: Rệp sáp
Hình 4e: Tuyến trùng
Thân, gốc và rễ bị tổn hại ảnh hưởng đến mạch dẫn làm cho cây vận chuyển dinh dưỡng kém, thiếu các chất cần thiết trong đó chủ yếu là trung vi lượng, dẫn đến bệnh xoăn lá bạc lá.
2. Giải pháp trị bệnh:
Hình 5: Rễ mới sau xử lý thuốc
Nếu phát hiện có rệp sáp khi xoi gốc thì diệt bằng tay, khi cần thiết mới dùng thuốc đặc trị.
Nếu pH đất nhỏ hơn 5 thì nâng pH lên bằng cách bón vôi, lân nung chảy... Tưới cho tan hết, sau 7 - 10 ngày thì tiến hành xử lý thuốc. Dùng AGRI-FOS 400 để trị bệnh như sau:
Phun thuốc kết hợp sục vào rễ 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
- Sục vào rễ: pha nồng độ 1% (2 lít / phuy 200 lít).
Lưu ý:
- Rễ bị sưng, đen, khô đầu rễ do các tác nhân gây hại sẽ hình thành bộ rễ mới bền vững sau 3 lần xử lý thuốc (hình 5).
- Trong khi trị bệnh, không cần phối hợp với bất kỳ thuốc trừ nấm, trừ tuyến trùng, chất kích thích ra rễ nào khác.
- Trong mùa khô cần phải cung cấp đủ nước cho cây.
- Để cây nhanh chóng hồi phục sau khi trị bệnh, nên hỗ trợ cho cây các sản phẩm đa trung vi lượng dễ hấp thụ như KP-ZINC, KP-MGC, KP-BOOSTER, KP-COMBI...
LƯU Ý CHUNG
1. Sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng và đất phải đủ ẩm thì hiệu quả rất cao.
2. Không cần phối hợp với bất kỳ loại thuốc trừ bệnh, trừ tuyến trùng nào khác.
3. Không pha chung với thuốc có gốc đồng, Carbendazym, 2,4-D, nhũ dầu, bám dính.
4. Nếu phối trộn thì cho AGRI-FOS 400 vào sau cùng.
VIDEO BỆNH CHẾT NHANH TRÊN CÂY TIÊU
(Nguồn video này được sử dụng từ chuyên mục Bạn nhà nông của Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Đồng Nai)