:: D O N A - T E C H N O ::

HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY CHÔM CHÔM DONA

Chôm chôm lá loài cây có thể trồng từ xích đạo cho đến vĩ tuyến 18o nhưng thường để kinh doanh có hiệu quả thì nên trồng đến vĩ tuyến 14o, độ cao thích hợp từ 0 - 700m, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 - 5000 mm, nhiệt độ bình quân từ 22oC- 30oC, nghĩa là nên trồng ở các tỉnh miền nam, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

1. Điều kiện trước khi trồng

1.1. Yêu cầu về đất đai

Chôm chôm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phù sa thoát nước tốt, đất thịt pha cát, đất đỏ bazan…

1.2. Khoảng cách trồng sầu riêng DONA

Tùy theo loại đất cũng như phương pháp trồng mà khoảng cách có thể thay đổi như sau : 10m x 10m hoặc 12m x 12m.

2. Trồng và chăm sóc cây trong giai đoạn đầu

2.1. Chuẩn bị hố trồng

Đất càng tơi xốp thì hố trồng có kích thước càng nhỏ. Tuy nhiên, tối thiểu hố trồng cũng phải được 40cm x 40cm x 40cm để lót phân hữu cơ.
Rải đều 0,1 - 0,2kg vôi trong hố trồng. Trộn đều hỗn hợp gồm: 5 - 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai mục + 0,2 kg phân lân + 50g Vibasu hoặc Basudin phòng ngừa mối. Cho tất cả xuống hố trồng rồi nén chặt. Cào đất xung quanh lấp lên tạo thành mô cao hơn mặt đất từ 10 - 20cm. Sau đó tưới đẫm nước cho hỗn hợp được phân hủy nhanh.

Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi trồng ít nhất là 15 ngày.
* Đối với đất phù sa ngập nước như đồng bằng Sông Cửu Long, tùy theo độ cao của thủy cấp mà đắp ụ và lên liếp tối thiểu cao hơn mặt nước từ 80 - 100 cm.

2.2. Trồng cây

a. Đào lỗ

Sau ít nhất 15 ngày khi chuẩn bị hố trồng, cần đảm bảo rằng mô đất vẫn còn cao hơn so với mặt đất khoảng 10 cm. Đào một lỗ giữa mô đất có độ sâu 20 cm.

b. Xử lý cây giống

Dùng dao cắt bỏ đáy bầu đất. Dùng kéo cắt đứt phần rễ lớn bị cong. Đặt cây xuống lỗ, rọc một đường dọc bầu đất, từ từ rút nhẹ bầu đất ra ngoài.

Chú ý: xoay chiều phát triển của tán cây theo hướng Nam để cây hứng ánh sáng tốt nhất.

Dùng tay lấp và nén nhẹ đất đến 2/3 chiều cao của bầu thì rải đều 5 - 10g Inronite xung quanh bầu nhằm kích thích cây con ra rễ. Sau đó, lấp đất cho đầy lỗ rồi nén nhẹ sao cho đất vừa lấp ngang mặt bầu. Làm bồn xung quanh để giữ nước tưới khi cần thiết.

c. Chắn gió

Dùng cọc cắm xiên xuống đất rồi cột vào thân cây để tránh gió lay gốc. Nếu trời quá nắng thì có thể dùng cành lá cây khác để che sơ hướng nắng trưa chiếu vào.

2.3. Chăm sóc cây con

a. Tưới nước

Nếu đất khô thì phải tưới nước cho cây, mỗi cây khoảng 20-30 lít.

b. Bón phân

   - Phân bón lá: Sau khi trồng xong, dùng phân bón lá Bayfolan hoặc HVP 801, NPK 30-10-10... phun ướt đều tán lá để cung cấp đủ dưỡng chất và vi lượng cần thiết cho cây. Phun luân phiên các loại phân kể trên mỗi khi cây ra đọt non.
   - Phân vô cơ: Dưới gốc ta bón 1 muỗng cà phê phân D.A.P. Sau đó, bón phân mỗi khi bộ lá mới của cây già đều. Nếu đường kính tán cây tăng gấp 2 lần thì lượng bón cũng tăng gấp 2 lần.
   - Phân hữu cơ: Mỗi năm, vào đầu mùa mưa ta bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Lượng bón từ 5 - 10 kg/cây cho cây 1 năm tuổi. Sau một năm thì ta tăng lượng bón lên 10 kg.

c. Cắt tỉa cành

Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Việc cắt tỉa cành được tiến hành như sau : Nếu cây đã có một cành chính thì cắt bỏ phần ngọn đi, chỉ chừa lại chiều cao tính từ mặt đất lên khoảng 60 cm hoặc 70 cm.

Sau khi bị cắt ngọn cây sẽ phát cành, chọn để lại những cành khỏe mập mọc cách xa nhau vừa phải khoảng từ 4-5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 50 cm, cành phải hợp với gốc một góc lớn hơn 60o. Khi các cành này dài ra từ 80- 100cm thì cắt ngọn. Sau đó ta tiếp tục thực hiện như vậy trong 18 tháng đầu (Đây là việc phải làm đối với giống cây chôm chôm DONA).

Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa đi những cành vô ích như : cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh.

2.4. Phòng trừ sâu bệnh

Trong năm đầu cần chăm sóc cẩn thận chú ý tới sâu bệnh có khả năng phá hoại lá, thân cây gây nên thiệt hại như các loại bọ cánh cứng, rầy đỏ, rệp sáp,... Nếu phát hiện phải phun thuốc diệt trừ ngay như: Azodrin, Bassa, Bi 58, Hostathion pha 10-15cc cho 10 lít nước (liều lượng theo chỉ dẫn trên chai thuốc).

Trong năm đầu, cây con thường bị những bệnh phổ biến là:

a. Bệnh cháy lá và vàng lá

Đây là bệnh có liên quan đến hàm lượng Kali thấp ở lá và thiếu nước. Cần cung cấp thêm Kali, tốt nhất dùng Sunfat Kali (Kali trắng) cho cây và tưới nước đầy đủ. Các lá bị vàng có hàm lượng sắt (Fe) thấp (khoảng 22 ppm trong mô) do đó có thể phun sulfate sắt nồng độ 500 ppm để trị.

b. Bệnh thối rễ

Do Nấm Fomes lignosus và Ganoderma pseudoferreum. Cây chết dần khi bị thối rễ. Dùng các loại thuốc gốc đồng để phòng trị.


QUI TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC CHÔM CHÔM SAU THU HOẠCH VÀ XỬ LÝ CHO CÂY RA HOA - ĐẬU TRÁI

1. Chăm sóc cây sau thu hoạch

1.1. Tỉa cành – vệ sinh vườn: sau thu hoạch phải tiến hành vệ sinh vườn

Làm bồn: mở rộng bồn sao cho đường kính bồn rộng hơn đường kính tán lá từ 30 – 50 cm. Nếu đất có độ nghiêng thì ngăn bồn theo độ nghiêng của mặt bồn.

Cắt bỏ đầu cành khoảng 10 - 20cm tính từ nơi xuất hiện chùm trái trước đó. Cắt bỏ các cành mọc chen nhau, cành suy kiệt, cành bị sâu bệnh.

1.2. Bón phân

Sau thu hoạch nhất thiết phải bón vôi từ 2-3 kg/gốc. Việc bón vôi làm giảm độ chua của đất giúp cây dễ dàng hấp thu dinh dưỡng cũng như giảm nứt trái cho sau này.

Đợt 1: sau khi bón vôi từ 15-20 ngày ta bón 30-50 kg phân hữu cơ (phân bò, gà, dê, …) đã hoai mục nhằm tạo độ mùn cho đất.

Đợt 2: cách đợt 1 khoảng 15 ngày ta bón 1-1,5 kg NPK 15.15.15 hoặc 16.16.8 nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển bộ tán khỏe mạnh.

Đợt 3: sau khi đợt đọt thứ 2 đã già, ta trộn 1kg DAP + 0,7kg Kali đỏ để bón cho cây giúp cây phân hóa mầm hoa.

2. Làm bông

Sau khi bón phân đợt 3, ta tiến hành xiết nước cho đến khi lá hơi héo. Quan sát thấy mầm đỉnh co lại như đầu que diêm thì ta tưới nhử nước (bằng 1/3 lượng nước tưới thông thường). Chờ 3-5 ngày sau ta quan sát mầm đỉnh.
   - Nếu mầm đỉnh xòe ra đi theo đường thẳng, cánh lá ngắn thì khi tưới nước sẽ ra hoa.
   - Nếu thấy mầm đỉnh xòe to phát triển tốt thì khi tưới sẽ cho lá non. Trong trường hợp này ta ngưng tưới, theo dõi 7-10 ngày khi hoa lộ rõ thì tưới lại.
   - Nếu có mưa kích thích cây ra lá non, ta tưới luôn để cây phát triển đọt non. Tiến hành xiết nước lần nữa khi lá già thì cây sẽ ra hoa.
   Sau khi hoa đã rõ thì tưới đều đặn, kể cả phía ngoài bồn để đảm bảo đủ nước cho cây.
   * Rụng hoa và trái nhiều là do:
   - Không kịp thời cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây.
   - Thiếu nước hoặc sốc nước.

3. Chăm sóc khi cây đậu trái

3.1. Tưới nước

Sau khi xả nhị, cây có nhu cầu rất lớn về nước. Sau khi xả nhị khoảng 20 ngày, ta tăng dần lượng nước tưới. Phải luôn theo dõi độ ẩm của cây để cung cấp nước kịp thời. Ngoài ra, cần phải ủ gốc để giữ ẩm cho cây.
   Nếu để khô nước mà tưới lại nhiều nước (sốc nước) hoặc có mưa thì sẽ gây nứt trái.

3.2. Bón phân

   - Khi hoa đã rõ, ta bón bổ sung NPK 15-15-15 từ 1 – 1,5 kg/gốc.
   - Khi trái đã rõ ta phun phân bón lá HVP 801 định kì sau mỗi 15 ngày.
   - Việc xử lý thuốc tăng khả năng nuôi trái chỉ thực hiện sau hiện tượng rụng sinh lý.
   - Sau khi phun phân bón lá 15 ngày, phun Canxi 20S và một số vi lượng nhằm chống nứt trái. Phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
   - Khi trái bắt đầu nở gai là lúc tạo cơm, bón K2SO4, lượng bón khoảng 0,5 kg/cây để tăng độ ngọt và làm dày cơm.

4. Phòng trừ bệnh hại

4.1. Sâu ăn lá

Ở giai đoạn từ lúc ra hoa đến lúc trước khi hoa xả nhị nên phun phòng 2 lần thuốc trừ sâu gốc cúc thực vật như: DECIS 2,5EC, PERAN 5EC, SHERBUSH 5EC …

4.2. Rệp sáp

Khi trái bằng ngón tay út đến lúc trái bắt đầu có râu, ở giai đoạn này thường phát hiện rệp sáp ẩn bên trong gây kém chất lượng trái, làm trái không đẹp. Dùng SUPRACIDE 40EC, BIAN 50EC phòng rệp sáp, rầy trắng (ở giai đoạn trái bằng ngón tay út nên kết hợp phân bón lá, thuốc trừ sâu, trừ bệnh phun phòng cho giai đoạn này).

4.3. Bệnh phấn trắng

Bệnh phấn trắng gây nguy hiểm nhất làm trái không lớn và rụng. Do đó, công tác phòng bệnh là quan trọng nhất. Phải thường xuyên theo dõi, khi thấy bệnh ít thì cắt bỏ trái đem tiêu hủy. Nếu bệnh xuất hiện nhiều thì phun ngay thuốc có chứa nhóm CARBENDAZIM, hoặc dùng thuốc chứa gốc lưu huỳnh như SULOX, KUMULUS …

Việc phun thuốc phòng trị sâu bệnh phải hết sức thận trọng vì sẽ làm cho trái và râu bị đen. Cần phun khi bệnh mới xuất hiện và đúng nồng độ.

Ghi chú: Khi hoa đang xả nhị không nên phun xịt thuốc trừ sâu.